Giá thép rơi về đáy 3 năm: Khi "cơn bĩ cực" chưa thực sự qua đi

Đăng bởi CÔNG TY TNHH CÁCH NHIỆT THỊNH PHÁT vào lúc 26/05/2023

Nhu cầu đang ngày một giảm xuống cộng thêm chi phí đầu vào tăng tạo nên những cơn đau đầu cực kỳ nhất nhối cho thị trường thép hiện nay.

Mùa ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, lãnh đạo của loạt doanh nghiệp đầu ngành như Hoà Phát hay Hoa Sen, Nam Kim đều có những nhận định cho rằng "cơn bĩ cực đã qua" với các doanh nghiệp ngành thép và tôn mạ. Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) khẳng định "thời điểm xấu nhất ngành thép có lẽ đã qua. 3 tháng tới HSG lời khoẻ".

Hay tại Hoà Phát (HPG), sau năm lỗ kỷ lục, báo cáo thường niên của Công ty có đánh giá: “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Công ty đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt”. Trong khi đó, lãnh đạo Thép Nam Kim (NKG) dù từ chối đưa nhiều nhận định, song vẫn nhấn mạnh: “Chỉ biết giai đoạn khó khăn nhất 2 quý vừa rồi đã qua, khởi đầu năm 2023 dự ổn hơn”.

Sau quý 1/2023, bức tranh kinh doanh của ngành thép thực sự đã xuất hiện những điểm sáng sau 2 quý “sập hầm” liên tiếp. Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, dù còn khá khiêm tốn nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức âm 4.700 tỷ quý trước.

Dù vậy, bối cảnh thực tế vẫn đang cho thấy nhiều điểm khó khăn cho sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp thép.

Nhu cầu duy trì mức thấp, giá thép rơi mạnh

Lợi nhuận cải thiện nhưng nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn là vấn đề đau đầu với các nhà sản xuất thép. Xét bối cảnh chung, các vấn đề về thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, nhu cầu xây dựng vẫn rất yếu và tác động xấu tới giá thép trong năm 2023. Nhu cầu tại các thị trường như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Trong nước, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép tại Việt Nam tiếp đà suy yếu. Lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 4/2022 giảm hai chữ số, về mức thấp thứ hai kể từ năm 2022, dù giá liên tục giảm.

Nhu cầu thấp liên tục tạo áp lực lên giá thép. Thống kê cho thấy giá thép đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Thép cây kỳ hạn một lần nữa giảm xuống dưới 3.640 CNY/tấn, xóa bỏ hoàn toàn số mức tăng đã đạt được vào tuần trước và rơi xuống ngưỡng thấp nhất 3 năm.

Tương tự, trong nước, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 5-6 đợt điều chỉnh giảm, nhìn chung giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn trong hơn một tháng gần nhất. Hiện thép xây dựng Hòa Phát đang ở mức giá 14,7 triệu đồng/tấn với thép cuộn CB240 và khoảng 15,09 triệu đồng/tấn với thép vằn thanh D10 CB300. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại trên các doanh nghiệp thép trong thời gian tới dù mức độ có thể không lớn như giai đoạn tồn kho cao kỷ lục giữa năm ngoái.

Theo đánh giá, ngành thép sẽ cần thêm thời gian để hồi phục khi thị trường bất động sản dân dụng chưa ghi nhận nhiều biến chuyển thực sự. VNDirect trong báo cáo gần đây cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Liều "dopping" đầu tư công chưa chắc hiệu nghiệm cộng thêm áp lực từ giá điện tăng

Ở khía cạnh khác, câu chuyện thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng là cú hích cho sự tăng trưởng nhu cầu sắt thép phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, cần chú ý rằng nhóm thép hiện chỉ ghi nhận Hòa Phát kinh doanh và có thị phần lớn mảng thép xây dựng - nguyên liệu chính trong thi công, trong khi các doanh nghiệp còn lại chủ yếu hoạt động trong mảng tôn mạ. Liều “dopping” mang tên đầu tư công vì thế sẽ không thể lan tỏa tới toàn bộ các doanh nghiệp ngành thép như kỳ vọng.

Thậm chí ngay cả với Hòa Phát, nhiều chuyên gia cũng nhận định cú hích đầu tư công sẽ không được như kỳ vọng. Vietcombank Securities (VCBS) trong báo cáo mới cập nhật cho rằng tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10%-15% và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ tiếp tục tiêu cực trong năm nay.

Chưa dừng lại, triển vọng kinh doanh ngành thép những tháng còn lại của năm 2023 được cho sẽ không hoàn toàn dễ dàng sau thông tin EVN điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân.

Việc giá điện tăng sẽ gây áp lực không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất thép khi đây là lĩnh vực công nghiệp nặng, sử dụng điện nhiều trong sản xuất. Theo phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, với giả định chi phí điện tăng thêm và doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, ước tính chi phí điện tăng 3% có thể khiến tổng lợi nhuận trước thuế ngành Thép giảm tới 15%.

Dù vậy, vẫn có những điểm sáng giúp mở ra kỳ vọng khả quan hơn. Theo đó trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt, những doanh nghiệp có tổng nợ vay lớn sẽ có thể cải thiện lợi nhuận nhờ tiết giảm chi phí tài chính. Với kịch bản trung tính, Mirae Asset đánh giá mức giảm lãi suất cho vay xuống 0,5% sẽ giúp cho ngành Thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2%.

Nguồn: https://cafebiz.vn/

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Zalo
Hotline
Phụ kiện nhôm phòng sạch Thịnh Phát

0903 659 678