Cổ phiếu ngành thép bị bán tháo ào ạt

Đăng bởi CÔNG TY TNHH CÁCH NHIỆT THỊNH PHÁT vào lúc 02/11/2022

Thị trường chung vẫn khá giằng co và hết sức phức tạp về cuối ngày khi nhóm ngân hàng bứt phá để cân bằng lại áp lực bán tháo tại nhóm cổ phiếu thép.

Nhóm cổ phiếu ngành thép trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch cuối tháng 10 khi bị bán dữ dội từ sau các thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh, trong đó khối ngoại cũng tham gia "xả hàng" mạnh mẽ.

"Cổ phiếu quốc dân" HPG của Hòa Phát đã sớm bị ghìm xuống giá sàn 15.650 đồng sau khi mở cửa phiên sáng và tiếp tục chất sàn khối lượng lớn. Đây là mã được giao dịch nhiều nhất với 66,3 triệu cổ phiếu được sang tay (tương đương 1.040 tỷ đồng), chiếm đến 12,28% tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE.

Thậm chí khi kết phiên giao dịch vẫn còn hàng triệu cổ phiếu đặt bán ATC và đặt giá sàn vẫn chưa khớp. Khối ngoại cũng tham gia với việc bán ròng gần 20 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng giá trị bán ròng hơn 316 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu thép cũng trong tình trạng bán tháo tương tự. Các mã HSG của Hoa Sen, NKG của Nam Kim hay SMC cũng đều rơi về giá sàn. Hay TVN của Thép Việt Nam rơi 3,5%, TLH của Thép Tiến Lên mất 4,3% giá trị.

Áp lực bán của nhóm thép đến sau các báo cáo quý III đầy tiêu cực. Hòa Phát lỗ kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng, theo sau là những cái tên hàng đầu khác như Hoa Sen, Pomina, VNSteel, Thép Nam Kim và Thép SMC đều lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Nhóm thép bị bán tháo trong phiên 31/10. Bảng giá: SSI.

Bên cạnh nhóm thép cũng có nhiều mã chứng khoán khác bị bán mạnh trong phiên cuối tháng. Đáng kể như NVL của Novaland phần lớn thời gian nằm ở giá sàn nhưng được kéo lên về cuối ngày, đóng cửa còn giảm 3,4% tại mức 70.000 đồng.

Tương tự có thể kể đến MWG của Thế Giới Di Động cũng có thời điểm giảm sàn nhưng lực mua tốt giúp cổ phiếu hồi phục, chỉ còn giảm 3% xuống 51.600 đồng.

Ngoài ra còn các mã tác động khá xấu khác có thể kể đến EIB của Eximbank đi ngược ngành ngân hàng khi giảm mạnh 6,1% về 37.000 đồng. VIC của Vingroup mất 0,5% xuống 55.400 đồng, DIG của DIC Corp giảm sàn tại 17.700 đồng, mã dầu khí PVD cũng rơi về giá sàn.

Dù vậy, thị trường nhìn chung vẫn giao dịch khá cân bằng khi có nhiều cổ phiếu lớn khác tăng giá tốt. Đặc biệt là nhóm ngân hàng với đầu tàu VCB của Vietcombank đi lên 2,7% đạt 73.500 đồng, hay BID tiến thêm 2,2%, CTG có thêm 2,3%, SHB tăng mạnh 4,1%.

Một số cổ phiếu trụ cột khác bứt phá ấn tượng để cân bằng thị trường như GAS của PV Gas tăng 1,9% lên 111.100 đồng, MSN của Masan cũng tăng 1,9%, VRE của Vincom bứt phá 3,8%, VNM của Vinamilk có được sắc xanh.

Chỉ số chung VN-Index có nhiều thời điểm chịu áp lực bán tháo dữ dội ở một số cổ phiếu nên bị mất hàng chục điểm. Tuy nhiên, sự khởi sắc và cân bằng về cuối phiên giúp chỉ số này bất ngờ có được sắc xanh, tăng nhẹ 0,58 điểm (0,06%) lên 1.027,94 điểm.

Trong khi đó, bảng giá tại HNX vẫn không có sự đảo chiều khi giảm 3,3 điểm (-1,54%) xuống 210,43 điểm. Sàn UPCoM lại ghi nhận sự hồi phục khi quay ngược tăng 0,26% lên 76,29 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn không có nhiều nổi bật với tổng giá trị giao dịch 12.541 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch tại sàn HoSE là 11.421 tỷ đồng.

Giao dịch của khối tự doanh đảo chiều sang trạng thái bán ròng rất mạnh 208 tỷ đồng trên HoSE. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng mạnh 230 tỷ đồng; trong đó lực mua tập trung vào chứng chỉ quỹ FUESSVFL với giá trị 266 tỷ và bán ròng mạnh nhất HPG với giá trị -316 tỷ đồng.

Nguồn: zingnews.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Zalo
Hotline
Phụ kiện nhôm phòng sạch Thịnh Phát

0903 659 678